Sức mạnh của sự thấu hiểu bản thân – Chìa khóa giúp bạn khám phá và phát triển bản thân để trở nên tốt hơn.

Chúng ta thường nghe ví von rằng tâm trí của một đứa trẻ cũng giống như một tờ giấy trắng. Trong quá trình trưởng thành, tờ giấy ấy bắt đầu có những màu sắc khác nhau tạo ra bởi gia đình, trường học, bạn bè. Những gì ta trải qua hàng ngày đều góp phần hình thành nên nhận thức và quan điểm của ta về cuộc sống xung quanh. Thấu hiểu bản thân là hành trình để hiểu rõ cái tôi và ý nghĩa về sự tồn tại của chính mình. Bạn là ai trong cuộc đời này? Tại sao bạn có suy nghĩ khác biệt so với người khác? Nếu bạn đang tìm câu trả lời cho những câu hỏi này thì hãy lắng nghe.

Tên sách : Sức mạnh của sự thấu hiểu bản thân – Chìa khóa giúp bạn khám phá và phát triển bản thân để trở nên tốt hơn.

Dave Mitchell mang đến những chia sẻ hữu ích giúp chúng ta có thể kiểm soát hành vi hiệu quả hơn. Tác giả được biết đến là phóng viên và nhà sản xuất của đài truyền hình CBS News nổi tiếng ở Mỹ. Trong cuốn sách này, ông đưa ra khái niệm về các phong cách tương tác chủ đạo của con người, qua đó giải thích động lực đằng sau cách phản ứng của ta trong cuộc sống. Nội dung sách dành cho sinh viên chuyên ngành tâm lý để hiểu thêm về động lực hành vi. Ngoài ra, những ai mong muốn kiểm soát bản thân tốt hơn cũng có thể tìm thấy những kiến thức hữu ích từ cuốn sách này.

1. Hệ tư tưởng cốt lõi giúp bạn hình thành nên cách nhìn cuộc sống.

Niềm tin cá nhân và kỳ vọng về tương lai đóng vai trò quan trọng trong việc định hình quan điểm của mỗi chúng ta về cuộc sống. Ta nhận thức về sự việc diễn ra nhờ vào kinh nghiệm của bản thân và từ đó đưa ra hy vọng cho tương lai. Hệ tư tưởng cốt lõi của mỗi người là sự kết nối giữa trải nghiệm cuộc sống và ước mơ sau này. Các yếu tố văn hóa, xã hội và mối quan hệ có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành tính cách mỗi người . Trong khi đó, những kỳ vọng về tương lai thường xoay quanh sự ổn định về tài chính, sức khỏe thể chất, tinh thần và sự hài lòng về cảm xúc.

Để xác định đúng hệ tư tưởng cá nhân, bạn cần liệt kê 10 yếu tố quan trọng nhất đối với bản thân, chẳng hạn như sức khỏe, tôn giáo, gia đình, sự giàu có, lòng nhân ái,v.v.. Sau đó, hãy thử giảm danh sách này xuống còn 5 yếu tố quan trọng nhất và bổ sung thêm định nghĩa cho từng yếu tố. Dựa trên những định nghĩa được đưa ra, hãy viết một lời tuyên bố về hệ tư tưởng cốt lõi của bản thân. Lời tuyên bố này cũng chính là kim chỉ nam cho những hoạt động của bạn trong đời sống hàng ngày.

Câu chuyện “ Chiếc lá cuối cùng” của nhà văn Mỹ O.Henry là một ví dụ điển hình về tầm quan trọng của cách nhìn nhận cuộc sống. Chuyện kể về cô họa sỹ trẻ Johnsy bị bệnh nặng và nằm đếm những chiếc lá cuối cùng của một cái cây bên ngoài cửa sổ. Đó là những chiếc lá dũng cảm tồn tại qua đợt gió thốc của mùa đông băng giá. Johnsy đã nghĩ rằng sinh mệnh của cô cũng đang heo hắt trước gió như những chiếc lá kia. Đợi đến khi chiếc lá cuối cùng rơi xuống cũng là lúc cô sẽ chết. Với tâm trạng bi quan như vậy, sức khỏe của cô trở nên yếu hơn trông thấy. Sáng hôm sau, Johnsy vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy một chiếc lá vẫn còn sót lại trên cây sau trận mưa bão đêm hôm trước. Cô đã chắc mẩm rằng chiếc lá cuối cùng sẽ rơi trong ngày hôm đó và cô cũng sẽ lìa đời. Thế nhưng kỳ diệu thay, chiếc lá vẫn hiên ngang bám trụ trên cây đến những ngày sau nữa. Sự kiên cường của chiếc lá đã giúp Johnsy lấy lại sự lạc quan và trỗi dậy khao khát muốn sống. Nhờ đó, cô đã hồi phục nhanh chóng sau cơn bạo bệnh. Khi đã hoàn toàn bình phục, Johnsy được kể lại rằng bác nghệ sỹ già Behrman sống cùng khu nhà với cô đã qua đời vì bị viêm phổi. Một người gác cổng đã phát hiện ra người họa sỹ già tội nghiệp nằm co ro trên nền tuyết với đôi giày và quần áo ướt sũng. Khi đến kiểm tra chiếc lá cuối cùng còn sót lại trên cây, Johnsy đã lặng người nhận ra rằng nó được vẽ bởi ông Behrman vào cái đêm mưa bão mà cô tin rằng số phận của mình cũng sẽ “rơi” theo chiếc lá ấy. Chính kiệt tác chứa đầy tình yêu thương  của người họa sỹ già Behrman đã giúp cô ấy thay đổi quan điểm về sức khỏe của bản thân và đấu tranh để phục hồi. Câu chuyện cảm động này cho thấy cách chúng ta nhìn nhận cuộc sống là rất quan trọng. Khi bi quan, ta thường có xu hướng buông xuôi và bỏ mặc số phận. Khi đặt hy vọng vào cuộc sống, ta sẽ có thêm động lực để vượt lên trên nghịch cảnh.

2. Bạn cần hiểu phong cách tương tác chủ đạo của bản thân để tìm được giải pháp cho những căng thẳng hàng ngày.

Cách giao tiếp và phản hồi với mọi người xung quanh giúp hình thành phong cách tương tác của mỗi người. Có bốn phong cách tương tác chủ đạo thay đổi phụ thuộc vào mỗi cá nhân và tình huống cụ thể. Trong cuộc sống, ta thường dựa vào một phong cách chủ đạo để kết nối với người khác, nhưng cũng có thể chuyển sang một phong cách thay thế khi cần thiết.

Đầu tiên là phong cách tương tác “ Chuyên gia”, nhấn mạnh tính nhất quán, quá trình và tính chính xác của vấn đề. Những người thuộc nhóm này thường tập trung vào các chi tiết và không thích rủi ro. Họ cần môi trường an toàn, thuận lợi và có tổ chức để có thể phát triển tốt. Bạn có thể gặp phong cách tương tác này ở hầu hết những người làm trong lĩnh vực kỹ thuật. Nhóm “ Chuyên gia” thường mang đến sự ổn định và nhất quán trong các tình huống phức tạp.

Nhóm thứ 2 là phong cách tương tác “lãng mạn”. Những người người này thường có sự nhạy cảm cao và dễ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của người khác. Họ cũng là người biết lắng nghe và giao tiếp khéo léo trong các tình huống xã hội. Người thuộc tuýp lãng mạn muốn được đánh giá cao bởi mọi người xung quanh và đặt nhu cầu của người khác lên trên bản thân mình.

Nhóm thứ 3 là phong cách tương tác “ Thông minh”. Đối với họ, tương lai nắm giữ những khả năng vô hạn. Đa số các doanh nhân có phong cách này. Họ là người yêu thích mạo hiểm, luôn sẵn sàng cho những trải nghiệm mới nhưng cũng trở nê dễ mất tập trung. Người thông minh luôn coi trọng cá tính của bản thân, thích thử nghiệm đối với mọi thứ và luôn tin tưởng vào một tương lai tương sáng.

Nhóm cuối cùng là phong cách tương tác “ Chiến binh”. Nhóm này thường lập ra danh sách những việc cần làm và cố gắng hoàn thành chúng nhanh nhất có thể. Họ thường là những người có suy nghĩ logic và luôn hướng đến kết quả. Người thuộc nhóm “ Chiến binh” có tính cạnh tranh cao và luôn coi chiến thắng là tất cả. Do đó, bất kể trở ngại nào ngăn cản tiến bộ của họ đều được xem là phiền toái. Họ thường thiếu kiên nhẫn đối với cuộc trò chuyện phiếm và muốn được làm việc một cách độc lập.

Khi đã hiểu được phong cách tương tác của bản thân, bạn có thể xác định được nguyên  nhân khiến bạn cảm thấy căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày. “ Căng thẳng đột ngột” là những phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với các mối đe dọa ở thời điểm hiện tại. Thời gian cần thiết để vượt qua thử thách và trở về trạng thái bình thường chính là thước đo khả năng phục hồi của bạn. Căng thẳng mãn tính là một dạng phản ứng độc hại kéo dài khi bạn phải đối phó với một mối đe dọa thực sự trong tưởng tượng. Loại căng thẳng này gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn theo thời gian. Nhận biết các tác nhân và những loại căng thẳng phổ biến sẽ giúp bạn tìm được giải pháp để đối phó với chúng.

3. Phong cách tương tác phụ thúc đẩy bạn hiểu thêm về chính mình.

Như đã nói ở phần trên, chúng ta thường phản ứng dựa trên một phong cách chủ đạo khi đối mặt với tình huống trong cuộc sống. Tuy nhiên, đôi khi ta cũng chuyển sang một phong cách tương tác phụ. Mỗi phong cách tương tác chủ đạo sẽ có thể kết hợp với những kiểu tương tác phụ khác nhau.

Nhóm phong cách “ Chuyên gia” bao gồm các kiểu tương tác phụ như sau: Kiểu thứ nhất là “ Tiếng nói của lý trí”. Đây là nhóm “ Chuyên gia” với phong cách phụ “Lãng mạn”. Những người thuộc nhóm này có thể khơi gợi sự đồng cảm của người đối diện để làm dịu tình hình. Họ là người có trực giác tốt, luôn hướng đến sự đồng thuận và tôn trọng quan điểm của người khác. Kiểu thứ hai là “ Thám tử” nói về những người thuộc nhóm “ Chuyên gia” có phong cách phụ “Thông minh”. Những người này tìm thấy niềm vui trong việc nghiên cứu và sàng lọc dữ liệu để đưa ra giải pháp tốt nhất. Họ thường chấp nhận rủi ro để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Kiểu thứ ba là “ Chủ nghĩa hoàn hảo” để cập đến nhóm “ Chuyên gia” với phong cách phụ “ Chiến binh”. Họ là những người luôn dành ưu tiên hàng đầu cho chất lượng và hiệu quả công việc. Những người có phong cách này thường cảm thấy khó khăn khi phải đối mặt với tình huống ngoài kế hoạch. Tuy nhiên, họ thường là các nhà quản lý dự án tuyệt vời.

Nhóm phong cách “ Lãng mạn” bao gồm các kiểu tương tác kết hợp như sau :

Kiểu thứ nhất là “ Người bạn tốt nhất” nói về người “ Lãng mạn” với phong cách phụ “ Chuyên gia” . Những người này thường khá khéo léo trong vấn đề tình cảm và đáng tin cậy. Họ thường đóng vai trò người trung gian để hòa giải những xung đột nhạy cảm. Đây là kiểu tương tác kết hợp lý tưởng nhất. Kiểu thứ hai là “ Được yêu thích” chỉ sự kết hợp giữa những người “ Lãng mạn” với phong cách phụ “Thông minh”. Những người thuộc nhóm này thường khá vui tính và yêu thích sự phiêu lưu. Họ cũng có khả năng giao tiếp tuyệt vời và sự quyến rũ khó cưỡng. Nhân viên bán hàng và tiếp thị thường có sự kết hợp tương tác này. Kiểu thứ ba là “ Thập tự quân” là sự kết hợp giữa những người “ Lãng mạn” có phong cách phụ “ Chiến binh”. Những người thuộc nhóm này thường rất có ý thức về các vấn đề tình cảm nhưng luôn lao động để đạt được mục tiêu đề ra. Họ muốn chiến đấu tới cùng để dành chiến thắng nhưng ghét làm tổn thương bất kỳ ai.

Nhóm phong cách “ Thông minh” bao gồm các kiểu tương tác kết hợp như sau:
Kiểu thứ nhất là “ Lập dị” nói đến sự kết hợp giữa những người “Thông minh” với phong cách phụ “Chuyên gia”. Những người thuộc nhóm này có khả năng sáng tạo và thực dụng cao. Những kỹ sư giỏi nhất thường thuộc nhóm tương tác tác này. Kiểu thứ hai là “ Nhà cải cách xã hội” chỉ người “Thôg minh” có phong cách phụ “ Lãng mạn”. Họ là những người thích mạo hiểm và có tầm nhìn. Những người này tập trung xây dựng sự nghiệp và luôn mơ về một tương lai tốt đẹp hơn. Kiểu thứ ba là “ Nhà thám hiểm” đề cập đến sự kết hợp giữa người “ Thông minh” có phong cách phụ “ Chiến binh”. Họ là những người có “ bộ óc kinh doanh tối thượng”, yêu thích những ý tưởng và thách thức mới, đam mê cảm giác mạo hiểm và hiếm khi lo lắng về suy nghĩ của người khác.

Nhóm phong cách “ Chiến binh” bao gồm các kiểu tương tác kết hợp như sau :

Kiểu thứ nhất là “ Quân tử” nói đến sự kết hợp giữa người “ Chiến binh” với phong cách phụ “ Chuyên gia”. Họ thường là các nhà hiền triết tôn sùng sự thật và không ngừng thử nghiệm để đưa ra phương pháp thay thế tốt hơn. Kiểu thứ hai là “ Người bán hàng” chỉ sự kết hợp giữa “ Chiến binh” với phong cách phụ “ Lãng mạn”. Những người thuộc nhóm này sử dụng các yếu tố tình cảm để giải quyết vấn đề theo hướng êm đẹp nhất. Họ là hình mẫu tuyệt vời cho các nhân viên bán hàng nhờ khả năng tác động đến yếu tố tình cảm để ảnh hưởng đến quyết định của ai đó. Kiểu thứ ba là “ Nhà môi giới quyền lực” nói đến sự kết hợp giữa “ Chiến binh” với phong cách phụ “ Thông minh” . Họ là những người không ngừng hướng tới mục tiêu mà bản thân đã đặt ra. Nhiều giám đốc điều hành giỏi nhất thuộc nhóm người này nhờ khả năng tự chủ cao và lao động không mệt mỏi để thực hiện tầm nhìn của họ.

4. Lời kết

Ta cần học cách sống chậm lại để trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống.

Hiểu được bản thân sẽ giúp chúng ta có cuộc sống hạnh phúc hơn. Cuốn sách đã chỉ cho ta cách xác định được bản chất và động lực đằng sau mỗi hành vi của ta. Đôi khi chúng ta bị cuốn theo nhịp sống bận rộng mà quên dành một khoảng lặng để suy nghĩ về những lời nói và hành động đối với người khác. Sự ồn ào của xã hội hiện đại khiến ta không nghe thấy tiếng nói bên trong chính mình. Vì vậy, ta cần học cách sống chậm lại để trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống.

0931 743 374
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon