Bạn có từng tự hỏi rằng người vĩ đại như Đức Phật có gì khác chúng ta không ? Đức Phật cũng xuất thân là một con người với cấu tạo não bộ giống bất kỳ ai ở thời đại nào. Vậy vì sao ngài lại được toàn nhân loại qua bao nhiêu thế kỷ tôn thờ như vậy. Đó là vì ngài đã thay đổi não bộ của mình theo những cách có thể làm thay đổi cả thế giới. Nhưng trên tất cả, Đức Phật không ham muốn danh vọng mà luôn hướng con người đến chân thiện mỹ. Chúng ta vẫn thường nói với nhau rằng “ phật tại tâm”, nhưng thực ra tâm có mối quan hệ chặt chẽ với não. Muốn như Phật, bạn không chỉ rèn luyện tâm, mà còn phải rèn luyện não. Cuốn sách sau đây không chỉ dành cho Phật tử, mà còn dành cho tất cả mọi người mong muốn cuộc sống an yên và hạnh phúc.
Tên sách : Bộ não của Đức Phật
Cơ sở khoa hoc của hạnh phúc, tình yêu và trí tuệ.
Giúp cho cuộc sống của con người trở nên ý nghĩa hơn!
Tác giả cuốn sách là Tiến sĩ Rick Hanson. Ông là một nhà tâm lý học thần kinh, giáo viên thiền định và là một thành viên cao cấp tại Greater Good Science Center( hiểu nôm na là trung tâm khoa học cuộc sống tốt hơn, ý nghĩa hơn) của Đại học California, Berkeley. Ông từng có những tác phẩm được dịch ra đến hàng chục thứ tiếng. Là một nhà nghiên cứu, tác giả nỗ lực đưa ra những lý giải khoa học để giải thích những phương pháp cổ truyền huyền bí giúp cho con người hạnh phúc hơn, viên mãn hơn trong cuộc sống. Bằng cách kết hợp những đột phá trong khoa học thần kinh với những hiểu biết sâu sắc từ hàng nghìn năm thực hành chánh niệm, bạn có thể điều khiển bộ não của mình để sống có trí tuệ, có tình yêu và hạnh phúc.
Sau khi nghe những nội dung chắt lọc của Ngheluon, bạn sẽ hiểu được rằng:
- Cấu trúc vật lý của bộ não có thể thay đổi được bằng suy nghĩ.
- Cách để “rèn luyện” hạnh phúc.
- Và cách làm chủ mọi niềm vui cũng như nỗi bất hạnh trong cuộc sống.
1. Bạn có thể dùng suy nghĩ để thay đổi cấu trúc vật lý trong não bộ của mình
Từ ngàn xưa, loài người đã nhận thức rõ trong cơ thể của mình tồn tại hai thứ là thể xác và linh hồn. Thể xác là thứ mà ta có thể nhìn thấy, sờ nắm được. Còn linh hồn thì ta chỉ có thể cảm nhận được thôi. Điều đó phản ánh rõ ràng nhất qua bộ não và tâm trí. Trong khi não bộ là dạng thể vật lý, với các nơron và hoá chất truyền dẫn thì tâm trí là quá trình tinh thần không thể nhìn hay sờ được. Tâm trí phản ánh cách chúng ta suy nghĩ, mong muốn và cảm nhận. Những gì chúng ta cảm thấy, trải nghiệm có ý thức là kết quả của sự tương tác chặt chẽ giữa tâm trí và bộ não. Bộ não chứa các chất truyền dẫn thần kinh khiến cho ta cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Chẳng hạn chất truyền dẫn thần kinh dopamine di chuyển giữa các nơron giúp con người cảm thấy tràn đầy sinh lực và sự tự tin. Còn khi bạn cảm thấy vui, ví dụ như được thăng chức, có người yêu, hoặc trúng sổ xố thì não bộ của bạn phản ứng bằng cách tiết ra nhiều dopamine hơn.
Nhưng sức mạnh của tâm trí không dừng lại ở đó, nó còn có thể thay đổi cấu trúc vật lý của não bạn. Điều này thể hiện qua quy tắc Hebb nổi tiếng của nhà thần kinh học người Canada Donald Hebb. Quy tắc phát biểu như sau “ Khi hai tế bào thần kinh hoạt động gần như cùng lúc, các kết nối của chúng được tăng cường”. Một cách hiểu khác, đó là khi một chất dẫn truyền thần kinh được tiết ra nhiều lần thì nó sẽ có xác suất lặp lại trong tương lai. Não ta sẽ ghi nhớ tốt hơn cảm giác tạo ra từ chất dẫn truyền thần kinh đó. Chẳng hạn như khi bạn cười nhiều với người xung quanh, các liên kết trong não liên quan đến cảm xúc cười sẽ được củng cố ngày càng vững chắc. Từ đó cấu trúc vật lý của não thể hiện qua sự liên kết giữa các nơron cũng thay đổi theo hướng tạo ra cảm giác vui vẻ, tích cực. Bộ não làm cho bạn luôn cảm thấy vui vẻ, lạc quan, bất kể cuộc sống có khó khăn, vất vả thế nào đi chăng nữa.
Một ví dụ khác có thể kể đến là khả năng ghi nhớ đường. Các nhà khoa học đã thử nghiệm trên các tài xế taxi ở thành phố London, Vương quốc Anh. Sau khi chụp chiếu, họ thấy trong não của các tài xế có hồi hải mã to hơn mức trung bình của người bình thường ( Hồi hải mã là khu vực giúp não ghi nhớ địa điểm). Hồi hải mã lớn hơn giúp các tài xế ghi nhớ tốt hơn đường đi tại London. Trải nghiệm qua công việc hàng ngày đã thay đổi cấu trúc bộ não của họ.
Như tác giả viết “ Mỗi khi bạn tiếp nhận điều tốt, bạn sẽ dần dần xây dựng cấu trúc thần kinh. Làm điều này một vài lần mỗi ngày – trong nhiều tháng và thậm chí nhiều năm- sẽ dần dần thay đổi bộ não của bạn, và cách bạn cảm nhận và hành động, theo những cách sâu rộng.” Vậy tóm lại chúng ta rút ra được gì qua các nghiên cứu và quy tắc trên? Đó là chúng ta có thể thay đổi cấu trúc bộ não của mình qua thời gian để làm chủ cuộc sống hạnh phúc của mình.
2. Tự phản chiếu bản thân là cách để có được cuộc sống hạnh phúc
Hơn 2000 năm trước tại Ấn Độ có một vị hoàng tử tên là Siddhartha. Cha của chàng là vua một quốc vương, nên từ chàng đã được sống trong nhung lụa, quyền quý. Nhưng lạ lùng thay chàng không cảm thấy hạnh phúc trong lầu son gác tía, người hầu kẻ hạ. Chàng cũng chẳng mảy may quan tâm đến việc kết hôn khiến vua cha và mẫu hậu rất phiền lòng. Cuối cùng chàng đã làm một điều mà không ai muốn làm, đó là vứt bỏ hết những thứ xa hoa phù phiếm để dấn thân vào tu hành khổ hạnh với mục đích là tìm ra chân lý cuộc đời. Trên con đường hành đạo, hoàng tử đã chứng kiến rất nhiều số phận cực khổ, lầm than, những sự việc trái luân thường đạo lý và chàng quyết tìm ra chân lý để phổ độ chúng sanh, cảm hoá loài người. Vị hoàng tử ấy chính là Đức Phật. Câu chuyện của ngài đã đem nhiều bài học sâu sắc. Nhiều người trong chúng ta khi gặp khó khăn thường cảm thấy bi quan, coi mình là nạn nhân của hoàn cảnh. Thậm chí có những người vật chất đủ đầy nhưng vẫn chẳng bao giờ hài lòng với cuộc sống. Kết quả là những cảm xúc tiêu cự cứ bủa vây, làm khổ chúng ta suốt cả cuộc đời. Chúng ta có thể tìm lối thoát qua sự van xin thánh thần phù hộ, nhưng kết quả chỉ đến trong ngắn hạn còn sự tiêu cực không được giải quyết triệt để. Nhưng thật ra giải pháp thì đơn giản hơn rất nhiều nhưng mấy ai làm được. Đó chính là tự phản chiếu bản thân.
Vậy “ tự phản chiếu bản thân” là gì ?
Theo tác giả, tự phản chiếu bản thân là nỗ lực tích cực cố gắng hiểu các quá trình tinh thần của chúng ta để kiểm soát chúng tốt hơn- các quá trình như cảm xúc, suy nghĩ và mong muốn mà chúng ta trải qua hàng ngày.
Nếu không tự phản chiếu bản thân, chúng ta sẽ bị cuốn theo vòng xoáy của cuộc sống, rồi nghĩ rằng chúng ta không có đâu thời gian để lãng phí. Chúng ta không dừng lại để suy ngẫm những gì đã trải qua. Vì như thế, chúng ta giết dần mình với công việc trôi qua mỗi ngày, với những mối quan hệ rút cạn năng lượng, nhưng những người quen biết khiến chúng ta căng thẳng, không hạnh phúc, bực dọc và mệt mỏi.
Một ví dụ của sự tự phản chiếu bản thân là luôn nghĩ về những điều làm cho chúng ta hạnh phúc. Như đã nói ở phần trước, suy nghĩ tích cực sẽ thay đổi cấu trúc não theo hướng tích cực giúp chúng ta luôn lạc quan dù trong bất cứ tình huống nào đi nữa. Não sẽ thích nghi với những cảm xúc, suy nghĩa mà chúng ta hay trải nghiệm. Đức Phật đã dám buông bỏ những thứ mà bao người thèm muốn, đưa tâm trí tự phản chiếu bản thân để răn dạy người khác suy nghĩ tích cực, làm việc thiện. Chúng ta không vĩ đại được như ngài nhưng ít nhất chúng ta cũng tự rèn dũa bản thân để trở nên tốt hơn không chỉ với chính mình mà còn cho những người xung quanh. Nếu bạn có cái nhìn tích cực về cuộc sống, mức độ căng thẳng của bạn sẽ giảm đi, bạn sẽ cảm thấy ít khổ hạnh hơn trong cuộc sống, từ đó cũng cải thiện các mối quan hệ của bạn với người khác. Cuối cùng, bạn sẽ trở thành người mà bạn mong muốn, người bạn thường hay suy nghĩ.
Trong cuốn sách, tác giả nói rằng “ Thật dễ dàng để trở nên tử tế khi người khác đối xử tốt với bạn. Thách thức là giữ gìn lòng nhân ái của bạn khi họ đối xử tệ với bạn- giữ thiện chí khi đối mặt với ác ý”.
Tóm lại, bạn cần làm gì? Hãy dừng lại. Nhảy ra khỏi vòng xoáy. Phản chiếu lại những gì đang tốt và những gì thì không. Nhận ra những gì cần giữ lại và những gì cần thay đổi.
3. Đau khổ giúp chúng ta tồn tại.
Nếu được hỏi có thích cảm giác đau khổ hay không thì 100% mọi người sẽ trả lời là không. Thế nhưng bạn có biết rằng nỗi đau bắt nguồn từ một đặc điểm hữu ích của tiến hoá, đó là nó báo cho chúng ta biết đang gặp phải điều gì đó nguy hiểm. Giả sử khi bị đứt tay, chảy máu, chúng ta cảm thấy đau. Từ đó não bộ ta phát ra tín hiệu cơ thể đã tiếp xúc với một thứ sắc nhọn gây tổn thương và ta ngay lập tức phải tránh xa nó ra để tránh bị đau thêm. Nỗi đau về tâm hồn thì trừu tượng hơn và mối nguy hiểm gây ra nỗi đau này thường không quá rõ ràng. Nhưng có thể hiểu qua một ví dụ đơn giản như sau. Khi bạn bị lừa đảo mộ số tiền lớn, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy buồn khổ, đôi khi tức giận kẻ lừa đảo, đôi khi tức giận với bản thân vì quá cả tin. Nó báo hiệu cho chúng ta một mối nguy hiểm đó là mất tiền có thể gây ra sự nghèo đói, sự mâu thuẫn trong gia đình.
Những cảm giác tiêu cực hay tích cực nảy sinh từ thưở sơ khai của loài người. Niềm vui, nỗi đau giúp chúng ta lựa chọn giữa tiếp cận hay né tránh một thứ gì đó. Và những kinh nghiệm này được ghi nhớ vào bộ não, phản ánh trong gen để di truyền lại cho thế hệ sau. Não chúng ta cũng có xu hướng ưu tiên lưu trữ những thông tin tiêu cực hay tích cực. Vì sao lại như vậy? Bởi những thứ tiêu cực thường gắn với mối nguy. Khi lưu trữ các thông tin ấy nhiều sẽ giúp chúng ta tránh được sự nguy hiểm tương tự trong tương lai. Nhưng vô hình chung, con người cũng dễ bị tác động, ghi nhớ lâu hơn bởi những thông tin tiêu cực hơn là tích cực. Vì thế, hãy chủ động ghi nhớ rằng đau khổ thực chất không phải để hạ gục chúng ta mà đó là dấu hiệu để bảo vệ bản thân khỏi mối nguy. Từ đó, ta sẽ suy nghĩ mọi thứ theo chiều hướng tích cực dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.
4. Đừng làm nỗi đau trở nên trầm trọng hơn
Nỗi đau là để bảo vệ cơ thể khỏi nguy hiểm. Nhưng chẳng mấy ai thích trải nghiệm sự đau khổ. Thật không may, chúng ta không thể tránh hoặc loại bỏ toàn bộ nỗi đau. Cơ thể chúng ta phản ứng với đau đớn về thể xác và tâm hồn đều theo cùng một cơ chế. Tác giả gọi đó là 2 cấp độ của sự khó chịu. Ví dụ, khi bạn vô tình đá vào một cái ghế, cảm giác đầu tiên của bạn sẽ là thấy đau ở chân. Đó là cấp độ thứ nhất của sự khó chịu. Ngay lập tức một cảm xúc tức giận nổi lên và bạn bắt đầu trách móc, đổ lỗi: “ Ai đã vô ý thức để chiếc ghế giữa nhà khiến mình bị đau như thế này?” Đây chính là cấp độ khó chịu thứ hai, tức là sự phản ánh của chúng ta trước một sự kiện gây đau đớn về thể chất hoặc tinh thần. Cấp độ 1 là do môi trường tác động còn cấp độ 2 là tự bản thân ta gây cho ta. Cấp độ 2 nguy hiểm hơn bởi nó khơi gợi sự hận thù, đau khổ cùng cực, thậm chí nguồn cơn tạo nên những phản ứng thiếu kiếm chế, thiếu suy nghĩ mà đôi khi có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Hãy nhìn những vụ án mạng vì tình thì thấy rõ. Một chàng trai bị cô gái mình thầm thương trộm nhớ kiên quyết từ chối tình cảm. Cấp độ 1 là sự đau khổ cho cô gái gây ra cho chàng trai. Nhưng tự chàng trai đẩy sự đau khổ đó lên cấp độ 2 đó là nảy sinh sự thù hận, đến nỗi quyết định giết chết người mình yêu. Đó là hậu quả nghiêm trọng của việc không kiểm soát được nỗi đau.
Đau khổ kích thích hệ thống thần kinh giao cảm SND trong não hoạt động quá mức ( SNS là viết tắt của sympathetic nervous system). Hệ thần kinh giao cảm đặc trưng bởi phản ứng lại các căng thẳng, tăng hành động giúp cơ thể sẵn sàng để trốn chạy khỏi nguy hiểm.
Tác động rõ ràng nhất của SNS thể hiện qua việc kích hoạt hormone adrenalin và tăng nhịp tim, tăng huyết áp. Nó khiến con người cảm thấy khó chịu và dễ nảy sinh các hành động liều lĩnh. Cấp độ 2 thường dễ kích thích SNS hơn cấp độ 1. Cơ thể thường xuyên bị kích thích như thế sẽ khiến cả thể chất và tinh thần đều mệt mỏi. Đáng chú ý là chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được cấp độ 2. Hay nói khác đi, đó là đừng làm trầm trọng thêm nỗi đau. Cấp độ 2 là cách bạn phản ứng với nỗi đau mà bên ngoài gây cho mình. Nếu lỡ chân đá vào cái ghế, hay coi đó là sơ ý của bản thân, đừng trách móc ai mặc dù có thể có người vô ý để ghế không đúng chỗ thật. Nếu bị từ chối tình cảm, hãy xem lại mình có đủ tốt chưa hay có phải gu của người đó hay không. Cuộc đời vẫn còn nhiều sự lựa chọn và đừng bó buộc tình cảm bản thân vào người nào. Có như vậy, nỗi đau mới chóng qua và bạn hoàn toàn tránh được những hậu quả tai hại từ những suy nghĩ bốc đồng.
5. Bạn chính là người nắm giữ vận mệnh của mình
Thời xưa người ta tin rằng số phận hoàn toàn do ông trời hay các bậc thần thánh quyết định. Sướng khổ buồn vui đều dựa vào các thế lực siêu nhiên ấy. Vì thế qua nhiều thời kỳ, người ta chỉ nghĩ đến thờ cúng để hi vọng thay đổi vận mệnh của bản thân. Nhưng thực ra mỗi người đều có tự chủ được hạnh phúc, số phận của chính mình. Làm cách nào để thực hiện điều đó?
Thứ nhất hãy thực hành chánh niệm. Nếu đã nghe nhiều sách của Ngheluon về chủ đề tâm lý, tâm linh thì đây là một khái niệm vô cùng quen thuộc. Có rất nhiều tác giả nghiên cứu và chia sẻ về chánh niệm. Hiểu một cách đơn giản, chánh niệm là trân trọng hiện tại mà chúng ta đang ở, không buồn phiền hay phấn chấn về quá khứ cũng như tương lai. Hiểu được hiện tại là thứ quý giá nhất, ta có thể loại bỏ được rất nhiều suy nghĩ cũng như cảm xúc tiêu cực, kiểm soát sự tập trung cũng như sự chú ý của bản thân. Một dạng chánh niệm quen thuộc nhất là thiền định. Khi thiền định, tâm trí bạn hoàn toàn thả lỏng, chỉ tập trung vào hiện tại và không phán xét bất kỳ cảm xúc hay ý nghĩ bất chợt, xuất hiện trong tâm trí. Vì khi thiền định, hệ thần kinh đối giao cảm PNS ( tiếng Anh là parasympathetic nervous system) được kích thích. PNS có thể coi là người anh em của hệ thần kinh giao cảm SNS nhưng có tác động hoàn toàn trái ngược . PNS làm giảm nhịp tim, giảm hưng phấn giúp chúng ta bình tĩnh và thư thái. Vì nó chịu trách nhiệm kiểm soát sự cân bằng nội môi, hay sự cân bằng và phục hồi các cơ quan trong cơ thể. Nó phục hồi cơ thể trở về trạng thái bình tĩnh và hài hoà, đặc biệt là sau khi cơ thể bị căng thẳng do bị SND kích thích. Do vậy, thiền và chánh niệm giúp con người luôn vui vẻ và thoải mái hơn trước mọi tác động của cuộc sống.
Thứ hai là thường xuyên suy nghĩ lành mạnh vì điều này dẫn đến những tác động tích cực ở thần kinh ở tất cả các vùng của não. Chẳng hạn, bạn luôn nghĩ rằng mình là một người mạnh mẽ, tự tin thì điều đó sẽ kích thích vùng vỏ não trước trán để giải phóng những chất dẫn truyền thần kinh gây hưng phấn. Các chất này thúc đẩy bạn hành động, không sợ hãi để đạt được đến thành công.
Thứ ba là thường xuyên rèn luyện sự điềm tĩnh giúp chúng ta kiểm soát cảm xúc và giảm bớt các ham muốn không lành mạnh. Hưng phấn là tốt nhưng quá độ thì không tốt chút nào. Nó làm giảm sự tỉnh táo của con người khi nhìn nhận các vấn đề. Rèn luyện sự điềm tĩnh giúp bạn nhận ra rằng bạn có thể tách rời cảm xúc ra khỏi mong muốn của mình. Từ đó, giúp con người tự chủ hơn. Chẳng hạn, khi thành công trong lĩnh vưc nào đó, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy vô cùng vui vẻ hưng phấn. Điều đó khiến chúng ta mong muốn nhiều hơn. Và khi mong muốn đó không được đáp ứng, ta dễ bị sụp đổ, cáu giận, bực tức, không hài lòng thậm chí là chán nản. Sự bình tĩnh giúp chúng ta nhận ra rằng không có thứ gì quá quan trọng. Dù thành công hay thất bại thì chúng ta đều đón nhận với một tâm thế vững chãi, không bị lay chuyển, tỉnh táo nhìn nhận mọi thứ xung quanh.
6. Thiền định dẫn đến những hiểu biết sâu sắc hơn về bản thân và sáng suốt hơn
Cái chết nhục nhã nhất là cái chết vì thiếu hiểu biết. Rất nhiều làn trong cuộc đời, chắc hẳn chúng ta đã mắc những sai lầm chỉ vì thiếu kiến thức. Nó mang đến sự tiếc nuối cũng như sự tự trách bản thân.
Cuộc đời chúng ta sống trong một khu rừng của sự thiếu hiểu biết. Chúng ta cần phải khai thông những con đường để vượt qua sự thiếu hiểu biết đó nhằm tìm ra được các trí thức trí tuệ. Bằng cách thiền định, chúng ta có một con dao sắc bén có thể phát quang khu rừng ấy, sáng tỏ nhiều điều quan trọng. Bởi trong khi thiền, trí não ta được thư giãn hoàn toàn, không bị khống chế bởi bất kỳ cảm xúc gì cũng như duy trì được sự tập trung cao độ. Thiền định tạo nền tảng để ta dễ dàng nâng cao nhận thức về thế giới xung quanh, có một thế giới quan sâu sắc.
Trong quá trình thiền định, tâm trí ta là đơn nhất. Tất cả các giác quan đều không bị xao nhãng, giúp ta đắm chìm sâu vào đối tượng mình đang quan tâm. Điều này được lý giải bằng nghiên cứu khoa học. Những chụp chiếu não của người thiền lâu năm phát hiện ra mối liên hệ giữa não và sóng gamma có tần số cao. Sóng này được cho là tăng cường nhận thức, sự nhạy bén của của tinh thần. Nghiên cứu này chỉ rằng thiền định có thể giúp chúng ta trở nên khôn ngoan hơn, sáng suốt hơn. Vì thế trước khi nghiên cứu vấn đề gì mà bạn cho là quan trọng, hãy bỏ ra vài chục phút đến một tiếng thiền định trong không gian yên tĩnh mát mẻ. Thiền sẽ giúp bạn đạt được những nhận thức, vươn tầm tri thức mà chính bạn sẽ thấy bất ngờ.
7. Thiền có thể giúp bạn đạt được cảm giác bình tĩnh và thoải mái hơn.
Không ai không muốn làm được điều gì đó vĩ đại, hay ít nhất là được người khác công nhận. Đó là nhu cầu cơ bản của con người. Dale Carnegie trong tác phẩm Đắc nhân tâm kinh điển đã liệt kê ra những nhu cầu mà con người luôn khao khát suốt cả cuộc đời bao gồm ăn no mặc ấm, tình dục và được mọi người công nhận, kính trọng, tôn vinh. Tháp nhu cầu Maslow được ứng dụng ở rất nhiều lĩnh vực cũng đặt nhu cầu “ được ngưỡng mộ, kính trọng” là nhu cầu bậc cao của con người. Chính điều đó đã xây dựng cho chúng ta một ý thức về cái tôi rất lớn.
Chúng ta luôn khao khát đạt được nhiều thứ, mong muốn vượt qua được nhiều người dù mức độ có khác nhau. Nhưng thật không may, ý thức về cái tôi ( hay chính là bản ngã) cũng đem đến những cảm giác đau khổ nhất mà chúng ta từng trải qua. Nó làm ta không bao giờ hài lòng với bản thân, mãi không có được cảm giác bình yên trong tâm hồn. Phật giáo thường khuyên răn chúng ta từ bỏ cái tôi và sống với vô ngã. Nếu có thể, hãy buông bỏ bớt để sống hạnh phúc hơn.
Nhưng buông bỏ là một điều khó hơn dời non lấp biển. Bởi vì bản ngã vượt quá tầm kiểm soát của chúng ta. Khi bị một đối thủ chơi khăm, bạn không thể không có ý định trả thù. Đứng trước một món lợi về tiền bạc, dễ gì mà có thể bỏ qua được. Rồi có lúc chúng ta còn thề sống chết phải bảo vệ quan điểm của mình về một vấn đề nào đó. Tất cả những thứ đó khiến chúng ta mãi ngập chìm trong đau khổ. Nhưng biển khổ mênh mông, quay đầu là bờ. Không lúc noà là trễ khi bạn muốn buông bỏ. May mắn thay, thiền định có thể giúp ta thoát khỏi vũng lầy của sự ràng buộc, sự mất mát và đau khổ. Khi thiền, bạn có thể suy ngẫm mọi thứ mà không cần dùng đại từ nhân xưng là “tôi”. Ví dụ thay vì bạn nghĩ “Tôi đang nghĩ về loài chim” thì bạn có thể nghĩ “ý nghĩ về các loài chim đang xuất hiện”. Với quan điểm vô ngã và thiền định, bạn sẽ học được cách đánh bại đau khổ để có được hạnh phúc, vươn tầm trí tuệ, bồi dưỡng nhân cách tốt đẹp.
8. Bộ não của chúng ta được thiết kế để yêu
Động vật có vú là loài có mức độ tiến hoá cao nhất trong số các sinh vật với bộ não phát triển. Và con người đứng đầu trong số động vật có vú. Vì tập tính xã hội tăng cao nên con người có nhiều mối quan tâm phức tạp hơn, từ đó nảy sinh ra cảm xúc đa dạng hơn rất nhièu so với loài động vật khác. Hơn nữa, trong 3 triệu năm qua, bộ não con người tăng kích thước và tăng số lượng kết nối giữa các noron thần kinh. Các kết nối này tạo điều kiện để đa dạng hoá tư duy, suy nghĩ, phát triển nhiều hơn các loại cảm xúc phức tạp. Một trong những cảm xúc đặc trưng rõ rệt nhất của con người đó là tình yêu. Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao chúng ta yêu không? Dưới góc độ khoa học, khi bị kích thích bởi nhân tố bên ngoài nào đó, một hormone mang tên oxytocin được tiết ra nhằm tăng cảm giác gắn kết con người với con người, tăng lòng vị tha và sự quan tâm. Đó chính là lý giải khoa học của tình yêu. Tình yêu nghĩa hẹp là giữa 2 người khác giới, và nghĩa rộng đó là giữa những người xung quanh thân thiết với nhau. Về mặt sinh học, tình yêu tạo ra niềm tin và mối quan hệ đối tác để sinh sản. Cảm giác yêu thương là điều cốt yếu giúp chúng ta duy trì nòi giống. Về mặt xã hội, tình yêu làm phong phú thêm cuộc sống, thể hiện qua nhiều tác phẩm thơ ca, điện ảnh, truyền thông. Tình yêu là niềm cảm hứng bất tận của nhân loại. Tình yêu còn thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình, cảm giác muốn bảo vệ lẫn nhau.
Tóm lại tình yêu là nền tảng tạo ra xã hội loài người, chúng ta dựa vào đó mà tồn tại được cho dù cuộc đời có giông bão đến cỡ nào.
9. Hãy từ bi, yêu thương và đồng cảm
Hãy trả lời câu hỏi này là thật lòng, bạn đã thực sự từ bi, đồng cảm mọi lúc mọi nơi chưa? Thành thật đi,ít người làm được như vậy. Chúng ta khó có thể thích một người mà ta đã ghét nhiều năm nay. Ta cũng không sẵn lòng giúp đỡ những người khó khăn bởi vì sợ rằng mình sẽ bị thiệt hại gì đó. Nhưng chính sự đồng cảm, từ bi giúp bạn phát triển các mối quan hệ bền chặt hơn. Shantideva, một triết gia Ấn Độ đã có câu nói nổi tiếng rằng “Tất cả niềm vui trên thế giới này đều đến từ việc muốn người khác hạnh phúc, và tất cả đau khổ trên thế giới này đều đến từ việc chỉ muốn bản thân mình được hạnh phúc”.
Sự đồng cảm và lòng trắc ẩn có quan hệ mật thiết với nhau. Thực tế, sự đồng cảm là nền tảng của lòng trắc ẩn thực sự. Có lòng trắc ẩn với người khác nghĩa là quan tâm sâu sắc đến họ. Khi chúng ta đồng cảm với người khác, chúng ta có được cái nhìn sâu sắc về quan điểm của họ. Ta đặt bản thân vào vị trí của họ mà suy nghĩ. Đó là cách mà ta tránh được những tranh luận vô ích. Khi cãi nhau, ai cũng nghĩ là mình đsung và sống chết bảo vệ quan điểm của mình. Cho dù có thắng thế nhưng chúng ta chẳng thu lại được sự tôn trọng, ngược lại làm ta sứt mẻ mối quan hệ nghiêm trọng.
Thiếu sự đồng cảm cũng gây ra các hậu quả tai hại khác. Một đứa trẻ lớn lên thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ bố mẹ hay những người xung quanh khi trưởng thành thường sống trong cảm giác thiếu an toàn. Chúng dễ gặp khó khăn trong việc hình thành các mối quan hệ bền chặt. Và điều này không chỉ ảnh hưởng đến một thế hệ. Chính những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm ấy khi trở thành cha mẹ cũng sẽ không thể nào có sự đồng cảm với con cái mình. Và hiện tượng này đang là trào lưu đáng lo ngại trong thế hệ trẻ ngày nay. Người trẻ càng càng sống cho cá nhân, thiếu sự quan tâm đến người khác, sống hời hợt và thiếu trách nhiệm. Chỉ có sự đồng cảm mới giúp liên kết các cá nhân lại với nhau, hạn chế những xung đột không đáng có. Khi bạn đồng cảm, cư xử từ bi với người khác, tự họ cũng nảy sinh cảm xúc tương tự. Như tấm gương phản chiếu, bạn cho đi điều tích cực bạn sẽ nhận lại điều tích cực và ngược lại. Có người nói khi trưởng thành con người ít bạn hơn. Nhưng đó là họ chưa thực sự gỡ bỏ sự ngờ vực, thận trọng, đố kỵ. Với sự đồng cảm, lòng trắc ẩn, từ bi, chúng ta có thể thiết lập mối quan hệ sâu sắc với nhiều người khác nhau.
10. Lời Kết
Nuôi dưỡng sự phát triển của bản thân không phải là ích kỷ
Qua cuốn sách này ta có thể thấy bất kỳ ai cũng có thể thay đổi cuộc sống của mình bằng cách thay đổi thói quen, suy nghĩ của mình. Không có số phận nào là bất biến và không thể thay đổi được. Ngay cả cấu trúc não bộ của con người vẫn có thể thay đổi liên tục trong suốt cuộc đời. Vì thế trong cuộc sống hàng ngày, bạn nên cố gắng lưu tâm rèn luyện sự bình tĩnh, tâm trí chánh niệm, và buông bỏ. Bạn cũng nên phát triển tinh thần đồng cảm, lòng từ bi, lòng trắc ẩn với mọi người, mọi vật xung quanh. Nếu sóng gió có thổi qua cuộc đời bạn, hãy chắc chắn rằng mình luôn là một cái cây vững chắc, bám rễ sâu vào cuộc đời. Và dù có thành công đến đâu cũng giữ cho mình sự khiêm tốn, tỉnh táo trước những cám dỗ, những ham muốn không lành mạnh. Bằng cách ấy ta luôn có thể chủ động điều khiển não bộ của mình, từ đó đạt được hạnh phúc,tình yêu và trí tuệ.
Và như tác giả của cuốn sách nói “ Nuôi dưỡng sự phát triển của bản thân không phải là ích kỷ. Đó thực sự là một món quà tuyệt vời cho những người khác”.