Hãy tưởng tượng chúng ta đang ở trong tình huống như thế này. Bạn đang nghĩ đến một kỳ nghỉ tuyệt vời, nằm thư giãn bên bãi biển hay đi bộ trong một khu rừng đẹp như tranh vẽ. Tất cả tạo nên một cảm giác khoan khoái tuyệt vời. Nhưng sau đó bạn nhận ra mình đang phải ngồi trong văn phòng, vừa mới bị sếp mắng và còn một đống báo cáo phải thực hiện. Bạn cảm thấy cuộc sống có quá nhiều áp lực và mình sẽ chẳng bao giờ tận hưởng giây phút hạnh phúc một cách trọn vẹn. Vậy có cách nào để thoát khỏi những lo lắng đó và sống thực sự có ý nghĩa ? Tác phẩm sau sẽ giúp bạn thực hiện được điều đó.
Tên sách : Nơi ấy cũng là bây giờ và ở đây – Giải thoát nỗi đau và giúp cuộc sống của bạn trở nên có ý nghĩa hơn. Giải thoát nỗi đau và giúp cuộc sống của bạn trở nên có ý nghĩa hơn. Tác giả của cuốn sách là Jon Kabat-Zinn, một giáo sư Y khoa người Mỹ, người sáng lập ra Trung tâm Chánh niệm về Y học và chăm sóc Sức khoẻ con người. Ông là một trong những học viên nổi tiếng của thiền sư Thích Nhật Hạnh người Việt Nam.
Vấn đề của đại đa số con người, đó là chúng ta hay để tâm trí lang thang quá nhiều đến quá khứ và tương lai mà quên mất rằng mình đang ở đâu. Thực tế hiện tại chính là lúc ra đang sống thực sự, là nơi an toàn nhất. Phương pháp thực hành chánh niệm kéo bản thân mỗi người trở về hiện tại, loại bỏ những ưu phiền của quá khứ và tương lai. Đức Phật đã nói : “ Không ai có thể cứu chúng ta ngoài chính bản thân. Chúng ta phải tự bước đi con đường của mình”. Chính chúng ta, và bằng phương pháp đúng đắn nhất mới có thể làm cuộc sống của mình trở nên tốt đẹp hơn.
1/7. Chánh niệm có nghĩa là sống có ý thức và đánh giá cao khoảnh khắc hiện tại.
Chánh niệm đã được nhiều người biết đến trong thời gian gần đây. Nó xuất phát từ giáo lý của đạo Phật từ thời xa xưa. Tuy vậy trong vài thập kỉ qua, chánh niệm không giành được nhiều sự quan tâm cho đến khi có những nghiên cứu khoa học chứng minh được hiệu quả tuyệt vời của phương pháp này. Mặc dù xuất phát từ Phật giáo, bạn không cần phải là một phật tử hay phải loại bỏ những thứ trần tục để theo đuổi thực hành chánh niệm. Nói một cách khác, chánh niệm là dành cho tất cả mọi người.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, mọi người làm mọi việc một cách thụ động mà bỏ quên thế giới xung quanh. Chúng ta cũng không còn để tâm đến bản thân nghĩ gì và khao khát mong muốn thực sự của mình là gì. Chúng ta không sống cho hiện tại mà buồn phiền vì những chuyện đã xảy ra trong quá khứ hoặc lo lắng những điều có thể không xảy ra trong tương lai.
Chánh niệm sẽ đưa bạn theo hướng ngược lại. Thực hành phương pháp này cho phép bạn sống trong hiện tại và trải nghiệm trọn vẹn từng khoảnh khắc. Sống hoàn toàn trong hiện tại, nghe có vẻ đơn giản nhưng không hề dễ thực hiện. Những thói quen tinh thần của bạn đã ăn sâu bám rễ trong nhiều năm trời nên việc thay đổi khá khó khăn. Tuy thân thể chúng ta ở hiện tại nhưng tâm trí lại thường hay lang thang về những khoảnh khắc khác khiến bản thân thiếu sự tập trung và nỗi đau trong tâm hồn có thể xuất hiện. Ví dụ, khi bạn đang ngồi ăn trong một nhà hàng sang trọng nhưng tâm trí lại lo lắng về cuộc họp ngày mai, bạn sẽ không cảm thấy ngon miệng dù cho sơn hào hải vị có bày ra trước mặt. Quan điểm của chánh niệm đó là, khoảnh khắc hiện tại chính là nơi ta hạnh phúc và an toàn nhất. Vậy tại sao ta không tận hưởng điều ấy? Chánh niệm là một khái niệm trừu tượng và thiền là hành động thực tế phản ánh quan điểm này. Khi ngồi thiền, bạn cho phép bản thân cảm thấy tĩnh lặng, loại bỏ những xáo động trong suy nghĩ và tập trung vào khoảnh khắc hiện tại. Khi bạn tham gia vào những bài thực hành thiền một cách thường xuyên, bạn sẽ học được cách đối mặt với cảm xúc tiêu cực.
Mặc dù bạn không suy nghĩ trong quá trình thiền nhưng điều này không có nghĩa là không làm gì cả. Thiền mang nhiều tính chủ động hơn là bị động. Chánh niệm và thiền định tức là bạn chú ý vào thời điểm hiện tại để mở cửa cho các cảm xúc trôi qua mà không phán xét. Hãy tưởng tượng như có một dòng chảy bất tận trôi qua cơ thể bạn vậy. Trong Phật giáo và văn hóa phương Đông có một khái niệm gọi là luật nhân quả. Đó chính là mọi thử xảy ra với con người trong cuộc sống là kết quả của những gì họ làm trước đó. Nhưng đó cũng có thể là một loại nhà tù của tâm hồn. Bạn phải suy xét xem mình nên làm gì để không phải lãnh kết quả xấu. Khi thực hành chánh niệm, bạn giải phóng tâm trí khỏi sự phán xét hành động của bản thân. Bạn Quan sát mọi thứ và để chúng trôi qua.
Khi thực hành thiền định và chánh niệm bạn loại bỏ cái tôi. Lúc này bạn hòa nhập với thế giới bao la rộng lớn xung quanh qua tâm hồn chính mình và không có một nỗi lo lắng gì khiến bạn bận tâm. Nhờ đó, chánh niệm và thiền có thể giúp cho bạn trở nên bình tĩnh và tập trung hơn, bớt căng thẳng và thư thái hơn. Chánh niệm không chỉ làm cho tinh thần bạn trở nên tốt hơn mà còn tạo nên sức mạnh. Khi thực hành phương pháp này, chúng ta trở nên ý thức hơn về con người của mình, giúp giải phóng sự sáng tạo và trở nên thông minh và có ích hơn cho công việc và cuộc sống.
2/7. Những phẩm chất bạn cần có để thực hành thiền
Tác giả đã khẳng định rằng bất cứ ai cũng có thể thiền. Tuy nhiên để thực sự làm việc một cách thành thạo, bạn cũng cần rèn luyện một số phẩm chất nhất định.
Thứ nhất là sự kiên nhẫn. Đây là một trong những điều quan trọng nhất mà bạn phải có. Việc ngồi hay giữ nguyên một tư thế bất động, yên tĩnh trong nhiều giờ liền thách thức lớn đên sự kiên trì của bất cứ ai. Hãy kiên trì và đừng mong đợi một kết quả hay phần thưởng gì đó. Bạn chỉ nên tập trung vào hiện tại và cứ thế để mọi thứ diễn ra. Nếu tâm trí bạn bất ngờ đi lạc trong lúc luyện tập hãy nhẹ nhàng dỗ dành sự chú ý của bạn trở lại hơi thở. Tập trung vào hơi thở để không bận tâm về bất kỳ điều gì khác.
Khi mới tập ngồi thiền, tâm trí của bạn sẽ không tránh khỏi những câu hỏi đại loại như mình đi theo con đường này có đúng không, hoặc bản thân sẽ đi đến đâu. Cho dù phán đoán có đúng hay không thì bạn đã làm mình rời xa khoảnh khắc hiện tại. Thay vì phán xét, hay tin tưởng rằng mọi thứ sẽ phát triển phù hợp .
Bên cạnh đó, bạn nên tỏ ra khiêm tốn. Trong thiền định, khiêm tốn có nghĩa là thừa nhận mình yếu đuối và tìm cách học hỏi, từ đó bạn sẽ khiến bản thân mình trở nên mạnh mẽ hơn.
Hãy lưu ý, sự tập trung là nền tảng của thực hành chánh niệm . Khi bạn tập trung hoàn toàn, năng lượng của bạn sẽ hướng đến trải nghiệm sâu sắc một điều gì hoặc một khoẳnh khắc nào đó. Tất cả mọi thứ khác sẽ không thể xâm nhập vào tâm trí bao gồm cả suy nghĩ và cảm xúc. Mọi người thường đánh giá cao khoảnh khắc này vì nó cho phép họ trải nghiệm sự tĩnh lặng bên trong. Tâm lý hào phóng cũng rất cần thiết. Những lúc bạn không thực hành thiền, hãy sống một cách chan hòa và rộng lượng với mọi người xung quanh. Bạn cho đi nhiều hơn, lan tỏa yêu thương thì những nguồn năng lượng tích cực sẽ quay trở lại giúp tâm hồn được thư thái, hạnh phúc.
Cuối cùng, hãy tập trung cao độ. Đây là một trong những phẩm chất cốt lõi của thiền định. Hãy từng bước loại bỏ những phiền nhiễu xung quanh và tâm trí chỉ có một thứ quan tâm duy nhất, đó là hiện tại.
3/7. Làm dịu cơn bão
Bạn thường cảm thấy như thế nào khi bị bắt phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ?
Chắc chắn là rất khó chịu, thậm chí có thể biến thành giận dữ. Nhưng đối với chánh niệm, những cảm xúc như vậy thực sự vô nghĩa. Tìm cách thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực là một trong nền tảng của phương pháp này. Tập luyện sự kiên nhẫn trong những trường hợp tương tự như thế sẽ đem lại sự tỉnh táo.
Kiên nhẫn và chánh niệm được kết nối sâu sắc với nhau. Kiên nhẫn có nghĩa là bạn chấp nhận mọi thứ như hiện tại, rằng bạn luôn nghĩ mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp. Làm thế nào bạn có thể luyện tập được điều đó? Hãy để mọi thứ nhẹ nhàng trôi qua, không phán xét. Chánh niệm dạy cho chúng ta cách chấp nhận mọi sự việc này xảy ra mà không cố gắng thay đổi chúng. Bạn phải tập trung cho hơi thở. Tâm trí bạn có thể lang thang một chút, hãy đưa nó trở về khoảnh khắc hiện tại. Bạn nên nhắc nhở bản thân rằng, quá khứ đã đi và tương lai có thể không đến, hiện tại là nơi bạn thực sự sống và an toàn.
Đức Đạt Lai Lạt Ma là một trong những nhà lãnh đạo tinh thần và tín ngưỡng cửa người dân Tây Tạng. Khi Trung Quốc có những hành động đàn áp và diệt chủng đối với dân tộc mình, mặc dù có ý phản đối nhưng ông không hề tỏ ra tức giận. Thay vì dồn hết năng lượng của mình vào cảm giác giận dữ, ông sử dụng nó để thúc đẩy sự hiểu biết và kiên nhẫn nhằm kêu goi sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế.
Khi bạn bắt đầu nôn nóng hoặc tức giận, hãy nhớ rằng sự khôn ngoan được tìm thấy trong kiên nhẫn và những gì xảy ra tiếp theo phụ thuộc rất nhiều vào những gì bạn làm trong thời điểm này. Nếu để cho những cảm xúc tiêu cực dễ dàng chiếm lấy tâm trí, bạn sẽ dễ có hành động sai lầm có thể gây hậu quả nặng nề. Hãy thực hành sự kiên nhẫn từng chút một mỗi ngày, trong thời gian đủ lâu, bạn sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt.
4/7 Thiền
Tư thế ngồi là tư thế thiền chính thức. Nhưng không phải cứ đặt mình xuống ngồi kiểu gì cũng được. Hãy khoanh chân và giữ cho đầu cùng cột sống theo một đường thẳng. Khi nào cảm giác như bản thân bám rễ xuống chỗ ngồi như cây xanh bám rễ lòng đất, bạn đã vào trạng thái thiền thật sự. Tư thế của bạn truyền một thông điệp với thế giới. Một tư thế trang nghiêm và chuẩn mực sẽ giúp bạn dễ đạt được trạng thái chánh niệm.
Trong lúc ngồi thiền, vị trí của bàn tay cũng được chú ý đặc biệt. Những người theo đạo Kito thì chắp tay cầu nguyện trong khi Phật giáo sử dụng nhiều hình thức và hình dạng để tay khác nhau. Không có một quy định khắt khe nào về vị trí của tay khi thiền nhưng nhiều nhà sư hay đặt tay trên đùi, lòng bàn tay ngửa lên trên. Cách làm này được lý giải là tạo một tư thế chắc chắn khi ngồi và có thể tiếp nhận được nhưng nguồn năng lượng tốt từ môi trường xung quanh. Bạn cũng có thể đặt 2 bàn tay vào nhau và giữ trong lòng. Hãy thử nghiệm các vị trí tay khác nhau và cảm nhận cách chúng ảnh hưởng đến sự tập trung của bạn.
Khi mới tập thiền, hãy ngồi trong những khoảng thời gian ngắn, chẳng hạn như năm phút. Và tăng tần cho đến khi bạn đạt được khoảng 45 phút mỗi ngày. 45 phút cho bạn đủ thời gian để tạo sự tĩnh lặng ổn định và trải nghiệm những lợi ích của trạng thái thiền định một cách sâu sắc. Tuy nhiên, nếu điều kiện công việc và gia đình không cho phép, bạn chỉ cần thực hành thiền trong khoảng 1 phút mỗi ngày cũng được. Điều quan trọng là bản thân cảm thấy không bị xao động bởi những yếu tố bên ngoài và bên trong mình.
Sẽ đến lúc bạn phải rời khỏi trạng thái thiền định để trở lại với cuộc sống thường nhật. Đừng đặt áp lực quá cao cho việc này mà bạn nên cảm nhận. Điều này rất khó tả và bạn có thể cảm thấy cần phải dừng lại khi đến thời điểm cần thiết. Bạn có thể hỗ trợ việc rời khỏi trạng thái thiền định bằng cách đặt chuông hẹn giờ. Đến lúc đã thành thạo, bạn cho phép tâm trí thay đổi từ tĩnh sang động một cách dễ dàng mà không cần phải thúc ép.
5/7. Thiền không chính thức có thể được thực hành khi ngồi,đứng, đi hoặc nằm.
Không có một tư tế bắt buộc khi thực hành thiền định. Chỉ cần tâm trí bạn tập tập trung và sống trong hiện tại, bạn đang thiền đúng cách. Nếu bạn thấy không thoải mái khi ngồi, bạn có thể thử nghiệm tư thế khác. Thậm chí đi bộ là giải pháp không tồi. Khi đi bộ, bạn đừng quan tâm mình sẽ đi bao xa hoặc đến đâu. Hãy tập trung vào từng bước, từng thay đổi về cảm giác và sự cân bằng của cơ thể. Bạn cũng có thể đứng nhưng tác giả khuyên rằng cách tốt nhất là đứng giữa một nơi có cây xanh xung quanh. Cây cối là ví dụ tuyệt vời của sự tĩnh lặng và bình tĩnh. Thực vật sẽ tiếp năng lượng từ bộ rễ truyền qua đất để đến thân cây, giúp bạn cảm nhận được trạng thái hiện tại một cách rõ nét nhất. Bạn cũng có thể muốn nhắm mắt lại, đứng yên và tưởng tượng bàn chân của bạn là rễ cây dưới đất. Đung đưa cơ thể bạn như cây đung đưa trong gió. Lắng nghe môi trường xung quanh và cảm nhận sự hiện diện của thiên nhiên trong cơ thể mình.
Ngoài ra, nằm cũng là một tư thế thiền hiệu quả. Đức Phật đã từng thực hành tư thế này khi Người cần sự tĩnh lặng trong tâm hồn. Một điều lưu ý rằng bạn phải tỉnh táo khi nằm chứ không phải ngủ. Lúc này bạn có thể cảm thấy những luồng khí đi ra đi vào cơ thể sẽ len lỏi đến từng bộ phận nhỏ nhất
Khi bạn nằm, hãy thả lỏng cơ bắp của mình. Điều này sẽ giúp tâm trí của bạn cởi mở và khiến bạn không còn bận tâm đến bất kỳ điều gì khác nữa. Tiếp theo, hãy tưởng tượng rằng bạn đã chìm xuống sàn và tập trung vào cơ thể. Bạn có thể chọn tập trung vào toàn bộ cơ thể, như thể mỗi tế bào da đang thở và tỏa năng lượng ra bên ngoài.
Hãy tập trung để đưa năng lượng vào từng phần khác nhau của cơ thể. Di chuyển có hệ thống qua toàn bộ cơ thể của bạn, theo hướng nào bất kỳ bạn thích- từ đầu đến chân hoặc từ bên này sang bên kia. Sử dụng hơi thở của bạn tưởng tượng như luồn lách vào từng cơ quan, như thể bạn đang thở qua từng đầu ngón chân. Khi bạn thở ra, giải phóng các cơ bắp, hãy cho phép phần đó được nghỉ ngơi trong sự tĩnh lặng. Bạn còn có thể ứng dụng trạng thái thiền khi tập yoga. Với hình thức này, bạn di chuyển qua một loạt tư thế khác nhau. Yoga và thiền đều có nguồn gốc từ Ấn Độ nên tư thế này mặc dù chuyển động nhưng kết hợp với sự tĩnh lặng và thở, giúp tâm trí bạn không thể xáo động. Bạn hoàn toàn tập trung vào khoảnh khắc hiện tại đó là các tư thế yoga của mình.
Còn rất nhiều tư thế khác không chính thống nhưng vẫn giúp bạn thực hành thiền và chánh niệm. Chẳng hạn ngồi nhìn đống lửa bập bùng khi cắm trại, bạn cũng có thể khiến tâm hồn tĩnh lặng.
6/7. Thực hành chánh niệm ở bất cứ nơi đâu bạn có thể
Nếu là một người vô cùng bận rộn vậy làm sao bạn có thể dành đủ thời gian để thực hành chánh niệm ? Điều may mắn là bạn không cần quá nhiều thời gian hay một dịp đặc biệt để có thể luyện tập phương pháp này. Hãy tận hưởng từng khoảnh khắc bình yên nhỏ nhoi của mình. Bạn thậm chí có thể thực hành chánh niệm khi làm một việc rất bình thường là leo cầu thang. Thông thường chúng ta hay làm điều này một cách vội vàng và không hề để tâm gì đến nó. Nhưng nếu bạn tập trung vào tất cả các chuyển động phức tạp mà cơ thể thực hiện khi bạn đi lên cầu thang , bạn sẽ tăng nhận thức về hiện tại. Và khi lên hết các bậc, bạn sẽ bình tĩnh hơn và kết nối nhiều hơn với các hoạt động tiếp theo. Nó có thể giúp cho bạn cảm thấy bình tĩnh và thư thái hơn rất nhiều. Hãy dành cho mình những phút giây bình yên cho dù là nhỏ nhoi, cho dù là ngày đó rất bận rộn. Nếu bạn thực hành chánh niệm ngay sau khi vừa thức dậy, bạn có thể mang tâm trạng bình yên đó theo mình suốt cả một ngày.
Chìa khóa để làm được điều đó là làm mọi thứ chậm lại ở ngay thời điểm hiện tại. Không có bát cứ thứ gì hay ai đó có quyền can thiệp và phút giây này của bạn.
7/7. Hãy sẵn sàng đối diện và vượt qua khó khăn khi thực hành chánh niệm
Hàng ngàn năm trước, khi Đức Phật bắt đầu rời bỏ vinh hoa phú quý để đi theo con đường tu hành, Người đã gặp không ít những rào cản khó khăn. Từ sự phản đối của người thân trong hoàng tộc đến những kẻ dè bỉu, phá hoại trên đường đều là các trở ngại cực kỳ lớn. Tuy vậy, với suy nghĩ đi tìm một tư tưởng có thể cứu rỗi nhân loại, Đức Phật đã vượt qua tất cả để phổ độ chúng sinh, chia sẻ nỗi đau với những người nghèo khổ trong xã hội. Khi thực hành thiền định và chánh niệm, bạn cũng sẽ gặp những rào cản như Đức Phật khi xưa. Vì thế hãy học tập cách mà Ngài đã làm để vượt qua những trở ngại. Việc tiên quyết là hãy xác định lý do thuyết phục nhất để bạn theo đuổi liệu pháp này. Bạn không cần phải tìm một điều gì đó lớn lao, chỉ cần mong muốn được giải tỏa căng thẳng và sống một cách có ý nghĩa cũng là quá đủ.
Đối với những người lập gia đình, rất khó có thể bố trí thời gian hợp lý giữa việc chăm con nhỏ và đi theo con đường thiền định lâu dài. Còn với những người có công việc bận rộn thì thật khó có thể sắp xếp thời gian thực hành chánh niệm đều đặn. Tuy nhiên, như đã trình bày ở phần trước, bạn vẫn có thể thực hành chánh niệm và thiền định với một vài phút mỗi ngày. Điều quan trọng nhất là tập trung cao độ và tâm trí không bị xáo động. Mọi khó khăn đều có thể có giải pháp, chỉ cần bạn có sự quyết tâm khi theo đuổi mục tiêu của mình. Ngoài ra, bạn phải đối diện với nội tại. Vì chánh niệm là tất cả về tâm trí , suy nghĩ nên cái tôi chính là trở ngại lớn nhất mà bạn phải đối mặt. Ví dụ, khi bạn trải nghiệm một khoảnh khắc quan trọng trong lúc thiền, bạn có thể bắt đầu tự chúc mừng và cảm thấy phấn khích vì mình làm rất tốt. Nhưng hãy cảnh giác với cảm xúc như vậy. Một trong những tiêu chí hàng đầu của thực hành chánh niệm là phải loại bỏ tất cả mọi cảm xúc có thể ảnh hưởng đến sự tập trung của bạn. Việc bạn phải làm đó là dỗ dành tâm trí của mình đi đúng hướng ban đầu.
Lời kết
Thực hành chánh niệm giúp con người trân trọng hơn những gì mình đang có đồng thời làm tâm trạng trở nên tốt hơn, tích cực hơn.
Cuộc sống hàng ngày của mỗi con người có biết bao ưu tư, lo lắng khiến chúng ta dần mất khả năng tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc hiện tại. Tâm trí chúng ta bị dồn vào những việc trong quá khứ hoặc tương lai mà quên mất rằng ngay lúc này chúng ta vẫn được an toàn, khỏe mạnh. Thực hành chánh niệm giúp con người trân trọng hơn những gì mình đang có đồng thời làm tâm trạng trở nên tốt hơn, tích cực hơn.
Từ đó chúng ta nên mở lòng để giúp đỡ người khác. Hãy giúp đỡ họ vượt quá những giây phút khó khăn và đau khổ của cuộc đời bằng cách học theo thực hành chánh niệm. Và việc giúp đỡ người khác cũng sẽ đem lại cho bạn một cảm xúc tích cực, tình yêu lan tỏa khắp con người khiến cho tâm trạng của bạn tốt hơn. Một khi tinh thần đã thanh thản và thoải mái, đó là bước đệm để bạn tiến lên đạt được những thành công trong cuộc sống một cách hạnh phúc nhất.