Bây giờ bạn đã có xe hơi để đi chưa?
Nếu chưa có, chắc chắn bạn sẽ nghĩ rằng “Không lâu nữa tôi sẽ mua”. Nếu có rồi, có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng “Có xe hơi đã là gì, tôi còn sắp mua cả biệt thự triệu đô”.
Thế mới biết, ham muốn của con người không bao giờ có giới hạn. Người vô gia cư chỉ cần nơi tránh mưa, tránh nắng; người trung lưu luôn mơ ước đủ tiền mua xe hơi và đi du lịch các nước trên thế giới, còn người thượng lưu thì muốn nằm trong top những người giàu nhất của đất nước. Thế nhưng, “Người Giàu Cũng Khóc”, tiền bạc không phải là cốt lõi của hạnh phúc. Cốt lõi của hạnh phúc chính là sống đơn giản và hài lòng với những gì mình có, cuốn sách hôm nay sẽ làm rõ hơn về tầm quan trọng của sự đơn giản.
Tên sách: Nghệ thuật tinh tế của việc không quan tâm – cách tiếp cận khác thường để sống tốt.
Vì sao bạn nên đọc cuốn sách này
Cuốn sách như một tấm gương để chúng ta nhìn lại chính mình. Từ đó, bạn sẽ biết mình nên làm gì để điều chỉnh mọi thứ cân bằng và nhẹ nhõm.
Cuốn sách được viết bởi Mark Mason. Ông là một tác giả, doanh nhân và là một blogger nổi tiếng tại Mỹ. Những bài viết về triết lý cuộc sống của ông thu hút hàng triệu lượt theo dõi.
Cuộc sống có rất nhiều sự lựa chọn, từ chọn nghề nghiệp, chọn thông tin cho tới chọn bạn bè. Có phải bạn luôn muốn chọn tất cả và làm mọi thứ không? Cuốn sách này sẽ giúp bạn tìm ra điều quan trọng nhất cho bản thân trong vô vàn những điều bạn muốn làm. Những quy tắc tác giả đưa ra sẽ mang lại cho bạn cuộc sống vui vẻ và bớt mệt mỏi hơn.
Vậy hãy bắt đầu ngay nhé.
1/6. Hãy lựa chọn những gì phù hợp nhất với chính mình.
Mục đích sống của bạn là gì? Một cuộc sống hạnh phúc, một gia đình êm ấm hay một công việc rất yêu thích? Dường như đây là câu hỏi của hầu hết chúng ta, nhưng có vẻ lựa chọn nào cũng thật mơ hồ. Liệu rằng, có bao nhiêu người định nghĩa được hạnh phúc là như thế nào; vật chất bao nhiêu là đủ? và khi không có câu trả lời, chúng ta lao vào cuộc sống phấn đấu liên tục cho một mục tiêu vô định.
Chắc chắn rằng, cuộc đời không bao giờ là một con đường trải đầy hoa hồng. Muốn đạt được thành tích gì, bạn đều phải nỗ lực rất nhiều. Những thất bại cũng có thể đang chờ bạn phía trước, những khó khăn có thể bào mòn sự quyết tâm và kiên trì của bạn. Ví như bạn muốn trở thành giám đốc tài chính một công ty nước ngoài, đó sẽ là một vị trí đáng mơ ước có. Bạn có tiền, chức vị và rất nhiều nhân viên ở dưới mình.
Nhưng để đạt được điều đó, bạn đã phải nỗ lực hơn người khác hàng chục lần, chưa kể thời gian làm việc của bạn chiếm trọn tuần, những quyết định tài chính làm bạn đau đầu trong nhiều ngày và cả sự khó khăn khi liên tục phải sa thải những nhân viên không đủ năng lực. Vậy lúc này, vị trí giám đốc tài chính còn đúng như bạn mơ ước? Chắc chắn bạn sẽ phải cân nhắc lại.
Nhưng đấu tranh là một phần không thể thiếu của cuộc sống, bạn không nên tránh né mà hãy lựa chọn một cuộc chiến của chính mình, khả năng của chúng ta là có hạn, bạn phải xác định được những thứ mình thật sự thích và mục tiêu càng cụ thể càng tốt. Chỉ khi đó, sức lực sẽ không bị dàn trải và bạn có thể tập trung toàn bộ khả năng của mình để làm tốt con đường đã chọn.
2/6. Nếu không có mục tiêu cụ thể, bạn sẽ không bao giờ cảm nhận được hạnh phúc đúng nghĩa.
Hãy bắt đầu với ví dụ về Dave Mustaine, một nghệ sĩ guitar bị loại khỏi ban nhạc Metallica. Mang sự giận dữ trong người, người nghệ sĩ này quyết tâm chứng minh cho những người bạn của ông thấy họ đã sai. Sau 2 năm trau dồi năng lực bản thân, ông thành lập một ban nhạc mới. Ban nhạc này thành công với 25 triệu album được bán trên toàn thế giới. Đó là một thành tích đáng ngưỡng mộ, tuy nhiên, Dave chưa bao giờ cảm thấy hài lòng vì ông không thể vượt qua thành tích của ban nhạc cũ.
Ví dụ trên cho thấy rất nhiều người trong chúng ta đang cố gắng đo lường sự thành công của mình với những người xung quanh. Chính điều đó đã làm bạn quên đi những hạnh phúc thật sự bạn đang nắm giữ. Mỗi người có một cuộc sống riêng của họ, một hoàn cảnh riêng, khi nhìn thấy hạnh phúc của người khác, ta lại thầm so sánh với bản thân và sống trong sự ghen tị. May mắn của người khác vốn chỉ là chuyện tốt, nhưng bạn lại biến nó thành công cụ để trừng phạt bản thân, nếu ta nhìn hạnh phúc của người khác bằng tâm thái so bì hay ganh đua không cần thiết, thì sau cùng người duy nhất bị tổn thương vẫn chỉ là chúng ta.
Mỗi người đều có những may mắn khác nhau, có người sự nghiệp thăng tiến, nhưng cơ thể lại không khỏe mạnh; có người học vấn uyên thâm, nhưng cuộc sống hôn nhân lại trắc trở, gập ghềnh. Vậy sao ta không thể dùng con tim quảng đại, mà đối đãi với chính mình? Bạn hãy trân quý những gì ta đang có, thay vì so đo với phúc phận của người khác. Lúc đó, bạn sẽ nhận ra, thế giới của ta thật giàu có và phong phú. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu cách để xác định được đúng thứ bạn thật sự cần trong cuộc sống.
3/6. Chúng ta thường lựa chọn nhầm những giá trị cuộc sống.
Ở phần trước, bạn đã thấy rằng, đo lường hạnh phúc của bản thân bằng hạnh phúc của người khác chỉ mang lại cho bạn sự bế tắc. Đây là một trong những sai lầm khi bạn xác định mục tiêu cuộc sống của chính mình. Vậy làm sao để chúng ta có được sự lựa chọn đúng đắn? Hãy lấy ví dụ về con đường đi tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống để thấy rõ điều này hơn nhé.
Theo bạn, niềm vui đến từ đâu? Đây là câu hỏi có rất nhiều câu trả lời, đó có thể là chiếc áo mới cho đứa trẻ nghèo, là gia đình đoàn tụ sau nhiều năm xa cách, nhưng cũng có thể là những bữa tiệc xa hoa của những thanh niên. Hay nói cách khác, cùng mục tiêu chung là niềm vui nhưng có thể mang ý nghĩa tích cực hoặc tiêu cực, chỉ cần lựa chọn sai, cuộc sống của bạn sẽ rẽ sang một hướng hoàn toàn khác.
Chúng ta cũng thường quan niệm vật chất là thước đo hạnh phúc, vậy nên, có người thấy hạnh phúc khi sở hữu một chiếc xe hơi đắt tiền. Đổi lại anh ta phải làm việc bất kể ngày đêm, không có thời gian dành cho gia đình, con cái. Liệu rằng chiếc xe đắt tiền đó, có bù đắp lại khoảnh khắc đứa con cất những tiếng nói hoặc bước đi đầu tiên trong đời.
Qua các ví dụ trên, chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc lựa chọn những thứ bạn cần và cách thức để đạt được điều đó. Có những sai lầm có thể sửa chữa được nhưng cũng có những sai lầm buộc bạn phải trả một cái giá quá đắt. Một lựa chọn đúng đắn, phải dựa trên các yếu tố như: thực tế, có ích cho xã hội và nằm trong khả năng của chính mình. Mọi mục tiêu cũng đều là vì hạnh phúc của chính bạn. Thế nên chúng ta phải xác định điều gì là cần thiết nhất, chúng có ảnh hưởng đến mọi người xung quanh không? Những thứ chúng ta muốn để có cuộc sống ổn định sẽ rất nhiều. Do vậy, bạn cần cân nhắc kỹ càng trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng.
4/6. Bạn cần có trách nhiệm với mục tiêu của chính mình.
Mỗi năm, chúng ta sẽ thấy hàng trăm cuộc chạy đua marathon vì mục đích từ thiện. Hàng ngàn người tham gia với mong muốn góp sức mình vì một điều tốt đẹp cho xã hội. Dù thua hay thắng, dù có về được đích hay không, ai cũng đều rất vui vẻ với quãng đường họ đã chạy. Nhưng nếu bạn buộc phải chạy một vòng xung quanh sân vận động, bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Chắc chắn đó là một trải nghiệm không thể quên nhưng không hề làm bạn thích thú. Cảm giác ép buộc luôn đánh mất niềm vui khi bạn làm bất cứ việc gì.
Có thể chúng ta không để ý, nhưng có vẻ như tất cả chúng ta đang sống và làm mọi thứ với tâm thế bắt buộc phải làm việc đó. Do vậy, khi có bất cứ chuyện gì xảy ra, ai cũng sẽ đổ lỗi cho hoàn cảnh, số phận hoặc thiếu may mắn, đó cũng chính là nguồn gốc của tất cả những thất bại.
Chúng ta cùng xem ví dụ về cuộc đời của bác sĩ tâm lý William James, ông sinh ra trong một gia đình giàu có, nhưng lại gặp vấn đề về sức khỏe. Ông thường bị nôn và đau eo thắt lưng, ông liên tục cố gắng để phấn đấu cho ước mơ trở thành một bác sĩ giỏi, ai cũng xem thường và chế giễu mong ước đó, ngay cả cha ông, ông không nhận được sự ủng hộ từ gia đình, luôn phải vật lộn mệt mỏi với cuộc sống hàng ngày. Có nhiều lần ông muốn bỏ cuộc và kết liễu cuộc sống của ông. Tình cờ vị bác sĩ này đọc được một triết lý rằng “mỗi người phải tự chịu trách nhiệm với quyết định của bản thân”. Chúng giúp ông nhận ra, từ trước tới nay, thay vì dốc hết sức cho ước mơ thì ông lại để hoàn cảnh bên ngoài đánh gục, ông bắt đầu lại mọi việc và cuối cùng ông trở thành một bác sĩ tâm lý nổi tiếng tại Mỹ.
Vậy nếu trong một cuộc đàm phán ký kết hợp đồng thất bại, điều đầu tiên bạn sẽ nghĩ tới là gì? Mình thiếu may mắn, thời điểm chưa thích hợp hay là có người phá hoại? Sao bạn không dành thời gian đó để rút ra cho mình những bài học từ việc đã xảy ra. Hãy xem lại để thấy, bạn đã sai ở đâu, chỗ nào chuẩn bị chưa tốt, và rồi chúng ta có thể đạt được những thành công ở những lần sau.
Tuy nhiên, thực tế còn có một trở ngại nữa là chúng ta thường gặp phải, đó chính là sự sợ hãi. Hãy tìm hiểu kỹ hơn ở phần tiếp theo nhé.
5/6. Nỗi sợ hãi ngăn cản mọi người đạt được mục tiêu của mình.
Bạn muốn trở thành một ngôi sao nhạc Rock hoặc bắt đầu một công việc mới đầy tiềm năng, nhưng đổi lại, bạn phải từ bỏ công việc hiện tại. Nếu không thành công với sự lựa chọn mới. chúng ta sẽ đối mặt với việc mất hết mọi thứ đang có. Có lúc, bạn né tránh nói với một người bạn rằng bạn không muốn gặp họ nữa vì nghe có vẻ không ăn khớp với danh “là một người tốt tính, vị tha” mà bạn vẫn có. Chúng ta luôn bỏ qua những quyết định tốt, quan trọng vì chúng ảnh hưởng tới cách ta nhìn nhận và cảm nhận về bản thân, nghe có vẻ điên rồ, nhưng đó là sự thật.
Phật giáo luôn nhấn mạnh tới việc con người thật sự tồn tại nhưng danh vọng thì không. Danh vọng chỉ là lớp vỏ bên ngoài và tốt hơn hết bạn nên từ bỏ chúng. Nghe có vẻ không đáng tin, nhưng điều này mang lại một số lợi ích tâm lý nhất định. Khi từ bỏ những hư danh, ta có thể giải thoát bản thân, hành động và trưởng thành.
Khi một người vợ thừa nhận: “Có lẽ em không phải người vợ tốt hay không giỏi trong các mối quan hệ”, cô ấy tự nhiên sẽ hành động thoải mái, được sống một cuộc sống của chính cô ấy.
Khi một nhân viên giám định bảo hiểm thừa nhận: “Có lẽ ước mơ và công việc của mình không có gì độc đáo hay đặc biệt cả”. Anh ta sẽ thoải mái thực hiện những điều mình ấp ủ và chấp nhận mọi kết quả có thể dẫn tới. Tóm lại, bạn hãy cắt nghĩa bản thân theo cách bình thường nhất có thể. Vì “cái danh” mà bạn chọn cho mình càng hẹp và hiếm, càng có nhiều thứ đe dọa bạn hơn. Một khi các mối đe dọa kéo đến, bạn sẽ đánh mất những cơ hội tốt ngay trước mắt.
6/6. Ai cũng có sai lầm và ai cũng phải chết, vì thế bạn hãy bình thản đón nhận mọi thứ.
Bạn có gặp khó khăn trong việc thừa nhận sai lầm của bản thân không? Sau khi mắc lỗi, bạn có rút ra bài học cho mình hay lại đi trên chính vết xe đổ? Thừa nhận sai lầm của bản thân chưa bao giờ là một việc dễ dàng, đôi khi sai lầm không có nghĩa là thất bại. Thất bại là kết quả của nỗ lực có ý thức, nhưng không thành công; trong khi sai lầm có thể là do vô ý. Có nhiều lý do để bạn cho phép bản thân phạm sai lầm.
Sai lầm là điều không thể tránh, đây cũng là nguồn tài nguyên quý giá làm cho cuộc sống bạn thêm phong phú, giúp bạn khám phá điều mới mẻ cùng chân trời rộng hơn. Lo sợ mắc lỗi là một trong những biểu hiện của chủ nghĩa hoàn hảo, nó có thể ngăn cản bạn thử điều mới hay hoàn thành dự án, vì lo sợ bản thân không làm tốt nên bạn không thể bắt đầu. chúng ta đừng để việc này xảy ra.
Tuy nhiên, bạn cần hiểu rõ sự khác biệt giữa sai lầm và quyết định tồi tệ, phạm sai lầm là khi chúng ta gây ra lỗi nhỏ, như xem bản đồ không đúng cách và không tìm được lối ra. Quyết định tồi lại được tạo ra do hàng động có chủ tâm cao hơn, như việc bạn la cà ngắm cảnh để rồi đến buổi hẹn muộn, gây bất tiện cho người khác.
Và cuối cùng, nếu không nhìn nhận sai lầm của mình, chúng ta sẽ không bao giờ phát triển được. Bạn sẽ bị giữ trong tâm lý ức chế, không cam tâm và không đủ thời gian để tìm ra những phương pháp khả quan hơn để giải quyết vấn đề.
Bên cạnh sai lầm, cái chết cũng là một trong những thứ rất khó để chấp nhận. Dù muốn hay không, đến một lúc nào đó, cái chết cũng sẽ đến với chúng ta. Vậy nên, thay vì ám ảnh về cái chết, hãy cố gắng sống vui và hạnh phúc từng giây phút bạn có. Rồi khi mọi việc đến, bạn sẽ không phải hối tiếc về những gì mình đã trải qua, những thử thách mình đã cố gắng hết sức để hoàn thành.
LỜI KẾT
Hãy sống đơn giản hơn mỗi ngày.
Cuốn sách “Nghệ thuật tinh tế của việc không quan tâm” của tác giả Mark Mason đã cho chúng ta thấy giá trị của sự đơn giản. Bạn phải nỗ lực trong việc thay đổi suy nghĩ của mình để đạt được tới sự đơn giản. Hãy chọn những điều bạn thật sự muốn thực hiện, làm việc với đam mê và suy nghĩ tích cực. Những nỗ lực đó đáng giá bởi một khi bạn xác định được điều quan trọng nhất với bản thân và chấp nhận buông bỏ những điều còn lại, bạn sẽ giảm bớt được những căng thẳng không đáng có trong cuộc sống.
Khi bạn đơn giản hóa cuộc đời mình, quy luật của vũ trụ cũng trở nên đơn giản hơn, cô độc không còn là cô độc, nghèo đói không còn là nghèo đói, sự yếu đuối không còn là sự yếu đuối.