Chúng ta được tạo hóa bạn cho cuộc sống này. Ai cũng quý trọng cuộc sống của mình nhưng không phải người nào cũng chăm chút cho sức khỏe bản thân. Không ít người ăn uống và sinh hoạt bừa bãi để rồi đến khi phát bệnh lại vội vã tìm đến bất cứ lời khuyên nào mà họ nghe được. Những người này thường rất dễ tin vào lời tư vấn của một người quen hay người nổi tiếng nào đó mà không chịu đến bác sĩ. Họ mua những loại thuốc hỗ trợ bổ sung và tin rằng chúng sẽ chữa lành bệnh hiệu quả. Họ không biết rằng cách làm này có thể làm sức khỏe của họ trở nên tồi tệ hơn. Vậy liệu thực phẩm hay thuốc bổ sung có thực sự tốt như lời đồn đại hay quảng cáo của các hãng dược? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Tên sách: Bạn có tin vào phép màu?
Vén mở tấm màn bí ẩn về thực phẩm bổ sung và các viên thuốc vitamin.
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và vac xin, tác giả Paul A. Offit đã mở ra bí mật về các loại thực phẩm bổ sung đang bày bán tràn lan trên thị trường. Ngày nay do chạy đua theo lợi nhuận, nhiều cá nhân và doanh nghiệp đã quảng bá ở mức thái quá về các loại thuốc này. Họ nói rằng đó là các tiên dược có tác dụng thần kì lên sức khỏe con người. Tuy vậy, sự thực về chúng có thê khiến bạn cảm thấy giật mình.
Phần 1/4. Các loại thuốc bổ sung được quảng cáo chứa chất tự nhiên không lành mạnh như bạn nghĩ.
Một thống kê có thể gây bất ngờ cho nhiều người. Đó là một bộ phận không nhỏ hiện nay không tin tưởng vào Y học hiện đại, kể cả những người ở các nước phát triển như Mỹ. Họ cho rằng hệ thống Y tế quan liêu và vô cảm. Do đó nhiều người tìm đến những liệu pháp bổ sung khi gặp các vấn đề về sức khỏe.
Đa phần chúng ta rất ngại đến bác sĩ vì nhiều lí do. Đối với những căn bệnh thông thường và không quá nặng, mọi người hay tự ý tìm đến những tiệm thuốc và tự chữa trị theo kinh nghiệm. Chúng ta nghĩ rằng chỉ cần một vài viên vitamin và thuốc bổ là đủ. Nhưng đó có phải là sự thật?
Giá như điều đó đúng thì đã không có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra. Sự nhầm lẫn không chỉ đến với những người bình thường mà còn đến từ những nhà khoa học kiệt xuất. Linus Pauling, một nhà hóa học nổi tiếng từng đoạt 2 giải Nobel đã tuyên bố vitamin C không chỉ chữa được cảm lạnh thông thường mà còn cả ung thư. Y học ngày nay đã chứng minh rằng điều đó hoàn toàn vô lý vì ung thư là một căn bệnh rất phức tạp và những trường hợp khỏi hoàn toàn chỉ là cá biệt. Thật không may, vẫn có không ít người tin vào những lý thuyết kiểu như vậy.
Vào thập kỷ trước các nhà khoa học Đan Mạch đã làm thử nghiệm trên rất nhiều người để xem liệu các loại vitamin có ngăn ngừa được ung thư đường ruột hay không. Kết quả thật đáng ngạc nhiên và đáng lo ngạ, đó là tỷ lệ tử vong cao hơn vài phần trăm ở những người dùng vitamin.
Vậy những dẫn chứng trên đã đủ thuyết phục bạn rằng những viên thuốc bổ không thật sự an toàn như bạn nghĩ chưa? Nếu vẫn còn nghi hoặc chúng ta hãy đến với những nội dung tiếp theo nhé!
Phần 2/4. Nhiều người nổi tiếng đã quảng cáo quá mức về những loại thuốc
Những người nổi tiếng có một quyền lực rất mạnh. Họ có rất nhiều người hâm mộ sẵn sàng ủng hộ họ bất cứ lúc nào, dù họ làm bất cứ điều gì. Nhờ vậy, các doanh nghiệp hiện nay coi việc sử dụng sức ảnh hưởng của những người nổi tiếng là một công cụ lợi hại để tiếp thị sản phẩm. Đã từ lâu, nhiều nhân vật của công chúng đã thực hiện nhiều liệu pháp nhân tạo như tiêm hocmon hoặc uống 1 số loại thực phẩm chức năng nhằm giữ cho mình trẻ đẹp. Mặc dù những việc làm này đều gây hại về lâu dài cho sức khỏe nhưng do họ phải luôn giữ hình ảnh trước công chúng nên không còn cách nào khác. Đáng lo ngại hơn là một số người nổi tiếng lại dùng chính sự ảnh hưởng của mình để quảng bá cho các loại thuốc này, mặc dù biết rằng chúng không tốt. Có rất nhiều lí do đằng sau việc làm đó, nhưng động cơ chủ yếu của họ là là nhận được những khoản tiền hoặc quyền lợi hấp dẫn từ các công ty dược phẩm cho việc quảng cáo.
Mong muốn có được danh tiếng và tiền bạc, một số người nổi tiếng sẵn sàng quảng bá tất cả các loại sản phẩm, ngay cả khi chúng gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Thế nhưng cũng có một số lí do khác khiến họ làm điều đó.
Jenny McCarthy, một người mẫu danh tiếng của tạp chí Playboy của Mỹ đã từng thúc đẩy một phương pháp điều trị tự kỉ gây tranh cãi. Khi con trai bị chẩn đoán mắc căn bệnh này,cô đã trở nên rất tuyệt vọng khi các liệu pháp y tế thông thường chưa thể thay đổi đượctình trạng của con. Cô tích cực tìm hiểu các cách chữa bệnh thay thế. Và cuối cùng cô đã lên truyền thông để đổ lỗi về việc tiêm vac-xin gây ra bệnh tự kỉ ở trẻ em. Điều này đã gây nên một hiệu ứng dây chuyền khiến không ít phụ huynh trở nên cảnh giác với việc tiêm phòng. Hậu quả là ngay trong thời hiện đại rất nhiều trẻ em ở Mỹ không được tiêm chủng đúng cách. Chỉ riêng trong những năm gần đây, người Mỹ đã chứng kiến sự gia tăng tử vong ở trẻ sơ sinh do không được tiêm vacxin đầy đủ. Những căn bệnh tưởng chừng như đã được giải quyết rất lâu trong quá khứ bỗng chốc trở lại và thành đại dịch, ví dụ như sởi hay ho gà.
Vậy bạn nghĩ như thế nào về vấn nạn này?
Chúng ta có thể bất ngờ nhưng có rất nhiều người, kể cả ở những nước phát triển tin vào việc tiêm vacxin gây nhiều hậu quả tai hại cho sức khỏe của con người. Chưa có tài liệu chứng minh vac-xin gây bệnh tự kỉ hay làm giảm miễn dịch cho con người. Nhưng đã có những số liệu thống kê thực tế về việc hàng loạt trường hợp tử vong do không tiêm chủng. Vậy bạn sẽ tin vào lời đồn đại hay bằng chứng cụ thể?
Tóm lại, một người có được danh tiếng không có nghĩa rằng người đó là một chuyên gia về sức khỏe. Vì thế hãy cẩn trọng khi nghe những lời khuyên được lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Phần 3/4. Y học thay thế có những tác động không tốt đến cơ thể con người nhưng vẫn được nhiều cá nhân tin tưởng
Chúng ta hãy tìm hiểu sơ qua về Y học thay thế là gì và tại sao nó lại có ảnh hưởng đến số đông như vậy. Theo định nghĩa khoa học, Y học thay thế khuyến khích sử dụng những thực hành y học chưa được chứng minh hoặc không thể chứng minh nhằm điều trị một loại bệnh nào đó. Lĩnh vực này thường dựa vào các loại thuốc có nguồn gốc từ tự nhiên. Thực tế, nó có thực sự đảm bảo sức khỏe như nhiều lời quảng cáo?
Vào đầu thế kỉ 20, một nhà báo đã xuất bản một bài phân tích về thành phần hóa học của các loại thuốc có nguồn gốc thảo dược phổ biến trên thị trường. Kết quả thật bất ngờ, một lượng lớn trong số chúng có chứa rượu trong thành phần và một số còn chứa cả thuốc phiện.
Nhưng đó chưa phải là câu chuyện thực sự gây sửng sốt. Cũng vào thời gian đầu thế kỉ 20, Albert Abrams, một nhà thần kinh học người Mỹ tuyên bố rằng mình có thể phát hiện ung thư và các bệnh khác bằng một thiết bị điện đơn giản. Ông ta đã đưa ra giả thuyết rằng con người phát ra các rung động khá giống sóng vô tuyến. Ông cho rằng ung thư sẽ tạo ra một vài rung động khác giúp chúng ta phát hiện ra chúng. Bên cạnh việc tìm ra các khối u, thiết bị này còn được quảng cáo rằng nó có thể tiết lộ về tiền sử bệnh của một người. Về mặt kinh tế, chiếc máy này đã thành công lớn khi tạo ra doanh thu hơn 2 triệu USD. Nhưng về mặt y tế, đây hoàn toàn là một trò bịp bợm.
Đến giữa thế kỉ 20, Max Gerson, một bác sĩ người Mỹ khác lại đưa ra một phương pháp điều trị ung thư khác. Ông ta cho rằng việc loại bỏ hoàn toàn thịt ra khỏi khẩu phần ăn và tích cực bổ sung các thuốc có nguồn gốc tự nhiên sẽ chưa khỏi được căn bệnh này. Đã có người được điều trị thành công, nhưng phần lớn trường hợp tử vong vì tác dụng phụ của thuốc. Sau này liệu pháp này đã bị đình chỉ.
Bạn có nghĩ rằng những việc này chỉ xảy ravào thời xa xưa khi y học vẫn chưa thực sự phát triển? Thời đại ngày nay vẫn có nhiều tay lang băm vẫn có thể lừa gạt được nhiều người. Năm 2007, một tay bác sĩ người Anh điều trị cho bệnh nhân ung thư bằng cách tiêm cho bệnh nhân thứ thuốc có thành phần trong thuốc tẩy trắng quần áo. Cuối cùng ông ta đã bị khởi kiện vì giết chết 4 người sau khi hứa với họ là sẽ chữa khỏi hoàn toàn.
Một kết luận được đưa ra từ những trường hợp trên, đó là chúng ta không nên tin vào các liệu pháp điều trị chưa được kiểm chứng. Hậu quả của nó là có thể phải trả giá bằng cả tính mạng.
Phần 4/4. Một số phương pháp điều trị thay thế có kết quả tốt, nhưng không phải theo hướng bạn mong đợi
Bạn đã bao giờ nghe đến từ giả dược chưa. Đây không phải theo ý nghĩa lừa đảo bán thuốc giả để lấy tiền. Giả dược chính là những loại thuốc không hề có tác dụng chưa bệnh cũng không gây hại cho sức khỏe. Chúng được dùng để làm tinh thần của bệnh nhân yên tâm hơn giúp cho quá trình điều trị tiến triển.
Hàng ngàn năm qua, châm cứu đã được biếtđến như một phương pháp trịnh nhiều loại bệnh hiệu quả. Ngày nay, một số nghiên cứu đáng tin cậy chứng minh rằng liệu pháp này tốt về mặt tinh thần nhiều hơn là thực sự chữa được căn bệnh. Điều mà ít người biết đến là châm cứu có hiệu quả ngay cả khi kim được đặt sai vị trí. Thực tế nhiều bệnh nhân nhận được kết quả tích cực sau một thời gian châm cứu. Sự thực là tâm lí thoải mái khi thực hiện điều này giúp cơ thể họ cảm thấy thư giãn và căn bệnh dẫn thuyên giảm. Các tác động lên tâm lí còn tăng khả năng chịu đau của chúng ta. Khi bạn cảm thấy yên tâm, một hoocmon được tiết ra giúp cơ thể giảm căng thẳng và đau đớn. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, có quá nhiều thương vong và các bệnh viện đã không thể cung cấp đủ thuốc giảm đau. Nhằm giải quyết tình trạng này, các bác sĩ và y tá chiến trường đã dùng nước muối giả vờ làm thuốc giảm đau để tiến hành phẫu thuật cho những người lính. Hiệu ứng giả này đã phát huy tác dụng, tự những người bị thương đã tạo ra liều thuốc giảm bớt những đau đớn sản sinh ra từ chính cơ thể của mình.
Một vị giáo sư trong Ngành Y đã từng nói: “Chúng ta đều mang sẵn một bác sĩ ở bên trong mình”. Điều đó có nghĩa rằng tự cơ thể chúng ta có khả năng tạo ra sự cân bằng và điều chỉnh ở một mức độ nào đó. Do đó, điều quan trọng là hãy lắng nghe cơ thể của chính mình, đừng vội vàng tìm đến những liệu pháp bên ngoài khi chưa thực sự cần thiết. Có như vậy bạn mới có thể giữ được một sức khỏe dồi dào, dẻo dai và bền vững.
Lời kết. Bạn nên tìm đến những cơ sở Y tế uy tín khi có nhu cầu về chăm sóc sức khỏe.
Trong xã hội hiện nay, chúng ta thường xuyên bị bủa vây bởi vô số các nguồn thông tin mà không ít trong số đó không được kiểm chứng. Khi đời sống người dân được nâng cao, người ta thường quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khỏe. Các công ty dược phẩm đã dựa vào điều này để quảng bá các loại thuốc bổ mà tác dụng thực sự của nó chưa được chứng nhận.
Cách để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình đó là hãy bổ sung chất dinh dưỡng từ chế độ ăn uống lành mạnh và đến các cơ sở y tế tin cậy khi bị bệnh. Vitamin được uống dưới dạng thuốc viên cô đặc không có tác dụng tương tự đối với cơ thể bạn như vitamin từ trái cây và rau quả. Vì vậy, thay vì cố gắng tìm ra loại vitamin nào cần mua, hãy bắt đầu tìm hiểu làm sao tạo ra một chế độ ăn uống đủ chất, cân bằng, đồng thời có một lối sống lành mạnh.
Tóm lại, qua những lời khuyên của tác giả Paul A. Offit, bạn sẽ biết được cách bảo vệ cho bản thân và gia đình, hãy đừng tự ý mua thuốc hoặc làm theo các liệu pháp điều trị chưa được kiểm chứng. Bạn nên tìm đến những cơ sở Y tế uy tín khi có nhu cầu về chăm sóc sức khỏe.